Chủ đề 3. Bài 11. Ứng xử trên môi trường số

Ứng xử trên môi trường số trang 44 sách giáo khoa Tin Học lớp 10NXB Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống, mời các em tham khảo cùng Bumbii.

Chủ đề 3. Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số. Bài 11. Ứng xử trên môi trường số.

NGHĨA VỤ TÔN TRỌNG BẢN QUYỀN

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC, PHÁP LUẬT VÀ VĂN HOÁ

Hoạt động 1. Hành vi vi phạm pháp luật hay đạo đức?

Xem xét tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Do mâu thuẫn ở một diễn đàn trên mạng, một nhóm nữ sinh đánh một bạn nữ khác. Các bạn ở xung quanh đã không can ngăn mà còn quay phim rồi đưa lên mạng xã hội. Do có nhiều bình luận thiếu thiện ý trên mạng xã hội dẫn đến xấu hổ với bạn bè, nạn nhân đã bỏ nhà ra đi không để lại lời nhắn.

Câu hỏi:

1. Trong tình huống trên, hành vi nào vi phạm pháp luật, hành vi nào vi phạm đạo đức?

Đáp án:

Việc đánh bạn ít nhất là vi phạm đạo đức. Nếu người đánh bạn đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (16 tuổi) và gây thương tích nặng sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lí hình sự về tội cố ý gây thương tích, làm nhục người khác.

Việc đưa video có nội dung như trên lên mạng, gián tiếp cổ vũ bạo lực học đường là hành vi vi phạm đạo đức.

2. Theo em, yếu tố nào của Intemet đã khiến sự việc trở nên trầm trọng?

Đáp án:

Internet đã làm trầm trọng sự việc vì tính quảng bá mạnh: nhanh, rộng và lâu dài, chưa kể nhiều người độc còn bình phẩm theo hướng tiêu cực. Ngoài ra, người đưa tin còn có thể ẩn danh nên thiếu trách nhiệm hơn.

Câu hỏi: Em hãy lấy ví dụ về các vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh khi tham gia các hoạt động sau trên mạng.

a) Tranh luận trên facebook.

b) Gửi thư điện tử.

Đáp án:

a) Một vài hành vi xấu có thể xảy ra khi tranh luận trên mạng xã hội facebook như: tranh luận thiếu văn hoá, đưa các nội dung sai sự thật hoặc vi phạm tính riêng tư của người khác,…

b) Một vài hành vi xấu có thể xảy ra khi gửi thư điện tử như: gửi thư rác, thư gắn kèm mã độc có mục đích phát tán mã độc, gửi thư cho nhiều người có nội dung vu khống hay nhục mạ người khác,…

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LÍ ĐỐI VỚI NGƯỜI DÙNG TRÊN MẠNG

Hoạt động 2. Hành vi đưa tin lên mạng

1. Em hãy đưa ra một số ví dụ đưa tin lên mạng không đúng.

Đáp án:

Ví dụ đăng tin giả gây dư luận hoang mang, đưa tin có nội dung ảnh hưởng xấu tới thuần phong mĩ tục,…

2. Một cá nhân đưa tin bịa đặt về bệnh dịch xảy ra làm nhiều người hết sức lo lắng. Hành vi chia sẻ lại tin đó có vi phạm pháp luật hay không?

Đáp án:

Khi một người đưa tin bịa đặt về bệnh dịch gây hoang mang dư luân, việc đưa tin lại bằng cách chia sẻ cũng là sai pháp luật.

Câu hỏi

1. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2021, một cá nhân đã đăng tin sai về hành trình đi lại của một bệnh nhân bị dương tính với virus Covid-19. Sự việc này đã gây hoang mang cho cả một khu dân cư.

Theo em, cá nhân trên đã vi phạm điều nào trong bộ các Luật liên quan đến Công nghệ thông tin?

Đáp án:

Hành vi đưa tin sai gây hoang mang cho người dân đã vi phạm điều 8 khoảng 1, điểm d của Luật An ninh mạng, điều 101, khoảng 1, điểm d của Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

2. Trên mạng hiện nay có rất nhiều quảng cáo sai sự thật. Quảng cáo sai về tác dụng của một loại thuốc sẽ bị phạt theo mục nào của điều 101 khoản 1 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP?

Đáp án:

Việc quảng cáo thuốc trên mạng sai sự thật đã vi phạm điều a, khoản 1, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

QUYỀN TÁC GIẢ VÀ BẢN QUYỀN

Hoạt động 3. Tìm hiểu về quyền tác giả

Em hiểu thế nào là quyền tác giả? Tác giả của một tác phẩm (bức tranh, chương trình máy tính) có những quyền gì đối với tác phẩm của mình?

Đáp án:

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (người sở hữu không nhất thiết là tác giả, ví dụ chủ một công ty phần mềm có quyền sở hữu phần mềm, trong khi đó các lập trình viên được trả lương để làm ra phần mềm chưa chắc đã có quyền sở hữu, họ không được đem phần mềm đó đi bán). Nhà nước bảo hộ quyền tác giả. Muốn được bảo hộ thì sản phẩm phải được đăng kí với Cục Sở hữu Trí tuệ.

Tác giả của một tác phẩm (bức tranh, chương trình máy tính) có những quyền như quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm của mình.

Hoạt động 4. Tìm hiểu về vi phạm bản quyền

Ai vi phạm bản quyền trong những tình huống sau?

1. Hoàng mua với giá rất rẻ một thẻ nhớ USB chứa các video âm nhạc mà người bán đã sưu tầm từ trên Internet không có thoả thuận gì với tác giả hay ca sĩ biểu diễn.

2. Lan mua một phần mềm có bản quyền trên đĩa CD. Sau khi cài đặt lên máy tính của mình, Lan cài thêm trên máy của một bạn thân.

Đáp án:

Trong ví dụ thứ nhất hành vi mua thẻ nhớ có các video âm nhạc là vi phạm bản quyền, mặc dù người mua đã trả tiền. Số tiền đã trả thực ra chỉ là trả để mua thẻ nhớ và công tuyển chọn, sao chép các video chứ chưa trả cho người đã làm ra bản nhạc và biểu diễn nó. Nhiều người nghĩ rằng họ đã trả tiền và họ không trực tiếp lấy sản phẩm của tác giả. Thực chất của hành vi này là tiếp tay cho việc ăn cắp. Nếu phải trả đầy đủ thì sẽ không thể có giá quá rẻ.

Ví dụ thứ hai là một khía cạnh khác của vi phạm bản quyền đặc thù của tin học. Lan mua phần mềm có bản quyền nhưng lại cài thêm cho bạn một bản. Ngọc đã sử dụng (dù không chủ động yêu cầu) mà không phải trả chi phí cho người làm ra phần mềm. Chính vì vậy phần mềm bán quyền sử dụng với số bản cài đặt giới hạn. Hành vi đó cũng là vi phạm bản quyền.

Câu hỏi

1. Trong các hành vi sau, những hành vi nào là vi phạm bản quyền?

A. Sao chép các đĩa cài đặt phần mềm.

B. Một người bạn của em mua tài khoản học một khoá tiếng Anh trực tuyến. Em mượn tài khoản để cùng học.

C. Phá khoá phần mềm chỉ để thử khả năng phá khoá chứ không dùng.

D. Em dùng nhờ một phần mềm trên máy tính của bạn.

Đáp án:

Các hành vi A và C là vi phạm bản quyền dù không đúng. Trường hợp A sao chép không được phép. Trường hợp C đã vô hiệu hoá các biện pháp kĩ thuật do chủ sở hữu bản quyền tác giả thiết lập.

Trường hợp B, khi mua bài học trực tuyến, quyền được tính trên một tài khoản (không cài đặt nên không theo máy). Việc học chung một tài khoản không vi phạm bản quyền.

Trường hợp D không vi phạm bản quyền vì phần mềm vẫn chỉ cài trên một máy tính.

2. Em hãy nêu ví dụ về một hành vi vi phạm bản quyền đối với sản phẩm tin học.

Đáp án:

1. Hoàng mua với giá rất rẻ một thẻ nhớ USB chứa các video âm nhạc mà người bán đã sưu tầm từ trên Internet không có thoả thuận gì với tác giả hay ca sĩ biểu diễn.

2. Lan mua một phần mềm có bản quyền trên đĩa CD. Sau khi cài đặt lên máy tính của mình, Lan cài thêm trên máy của một bạn thân.

LUYỆN TẬP

Câu 1

Trong các ý kiến sau, em đồng ý, không đồng ý hay chỉ đồng ý một phần với các ý kiên nào? Tại sao?

a) Chúng ta có quyền đưa lên mạng xã hội tất cả các tin không phải là tin giả.

b) Chúng ta có quyền đưa lên mạng xã hội tất cả các tin miễn là không có hại đến cá nhân ai.

c) Chúng ta có quyền đưa lên mạng xã hội tất cả các tin miễn là không vi phạm pháp luật.

Đáp án:

a) Có những tin đúng, vẫn không được đưa lên mạng (ví dụ đưa tin về một án mạng có những chi tiết rùng rợn là sai dù tin đưa là đúng).

b) Có những tin không có hại đến cá nhân ai nhưng vẫn không được đưa tin lên mạng (ví dụ các tin liên quan đến an ninh quốc gia).

c) Về nguyên tắc, chúng ta có quyền đưa lên mạng xã hội tất cả các tin miễn là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên rất nên cân nhắc về khía cạnh đạo đức.

Câu 2

Trong đại dịch Covid-19, một người dùng Facebook đã chia sẻ tin

“Bắt đầu từ ngày 28/3/2020, toàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị phong toả trong 14 ngày,…”. Khi bị triệu tập để xử phạt, người này đã chứng minh rằng anh ta chỉ đưa lại một tin chứ không bịa.

Người này sai ở đâu?

Đáp án: Ứng xử môi trường số

Việc chia sẻ lại một tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân theo điểm d) Khoản 1 Điều 8 của Luật An ninh mạng là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt theo điểm d khoản 1 Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

VẬN DỤNG

Câu 1. Nếu đăng trên mạng xã hội nhận xét có tính xúc phạm đến một người khác thì hành vi này là:

A. Vi phạm pháp luật.

B. Vi phạm đạo đức.

C. Tuỳ theo mức độ, có thể vi phạm đạo đức hay pháp luật.

D. Không vi phạm gì.

Đáp án: Ứng xử môi trường số

Theo quy định nêu trong Điều 12 khoản 2 của Luật Công nghệ Thông tin thì việc đưa tin lên mạng xúc phạm đến danh dự, uy tín của tổ chức hay công dân là vi phạm pháp luật.

Mức phạt theo điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP có thể từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Câu 2. An nhắc Bình về việc Bình dùng phần mềm lậu và giảng giải cho Bình biết các quy định về quyền tác giả. Nghe xong Bình bảo “Trước đây mình không biết, mà không biết là không có lỗi”. Quan niệm của Bình như vậy có đúng không?

Đáp án: Ứng xử môi trường số

Trách nhiệm của công dân là phải tự tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, việc vi phạm pháp luật do không hiểu pháp luật là có lỗi.

__________***__________

Xem các bài giải khác tại Giải bài tập SGK tin học lớp 10 – NXB Kết nối tri thức với cuộc sống

Thông tin liên hệ & mạng xã hội:
Website: https://bumbii.com/
Facebook: https://www.facebook.com/bumbiiapp
Pinterest: https://www.pinterest.com/bumbiitech

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Cùng chia sẻ bình luận của bạn nào!x