Bảng và khoá chính trong cơ sở dữ liệu quan hệ SBT Tin học Lớp 11 định hướng tin học ứng dụng trang 21 – Cánh Diều, mời các em tham khảo cùng Bumbii.
Chủ đề F. Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính. Giới thiệu các hệ cơ sở dữ liệu. Bài 2. Bảng và khoá chính trong cơ sở dữ liệu quan hệ.
Câu F9
Trong các câu sau, những câu nào đúng?
1) CSDL quan hệ là một tập hợp các bảng.
2) CSDL còn được gọi là CSDL quan hệ.
3) Mỗi hàng trong một bảng của CSDL quan hệ còn được gọi là một bản ghi.
4) Mỗi cột trong một bảng của CSDL quan hệ còn được gọi là một trường.
Đáp án: Phương án 1, 3, 4.
Câu F10
Những thao tác nào dưới đây là cập nhật dữ liệu cho bảng trong CSDL quan hệ?
1) Thêm một bản ghi.
2) Xoá một bản ghi.
3) Xoá bảng, tạo bảng khác.
4) Thay đổi một số bản ghi.
5) Thêm một cột mới cho một bảng.
Đáp án: Phương án 1, 2, 4.
Câu F11
Thao tác nào dưới đây là truy vấn trong CSDL quan hệ?
1) Tạo một bảng.
2) Nhập dữ liệu cho các bảng trong CSDL quan hệ.
3) Chỉnh sửa dữ liệu trong CSDL quan hệ.
4) Tìm dữ liệu trong CSDL thoả mãn một điều kiện nào đó.
Đáp án: Phương án 4. Tìm dữ liệu trong CSDL thoả mãn một điều kiện nào đó.
Câu F12
Trong các phát biểu dưới đây, những phát biểu nào đúng với CSDL quan hệ
1) Dữ liệu trong CSDL phải thoả mãn một số ràng buộc để đảm bảo tính xác định và đúng đắn của dữ liệu.
2) Dữ liệu trong một ô của bảng chỉ chứa một giá trị.
3) Có thể có những bản ghi giống nhau trong một bảng.
4) Hai bảng khác nhau có thể chứa cột có tên trùng nhau.
Đáp án: Phương án 1, 2, 4.
Câu F13
Trong CSDL quan hệ phục vụ một cuộc thi tốt nghiệp, bảng THÍ SINH có cấu trúc như dưới đây:
THÍ SINH
Số thứ tự | Mã định danh | Số báo danh | Họ và tên | Ngày sinh | Địa chỉ |
Hãy trả lời các câu hỏi sau:
1) Có thể lấy trường Số báo danh làm khoá của bảng được không? Hãy giải thích vì sao.
2) Có thể lấy trường Mã định danh làm khoá của bảng được không? Hãy giải thích vì sao.
3) Có thể lấy trường Họ và tên làm khoá của bảng được không? Hãy giải thích vì sao.
4) Có thể lấy tập hợp gồm hai trường Số báo danh và Địa chỉ làm khoá được không? Hãy giải thích vì sao.
Đáp án: Gợi ý:
1) Có thể lấy trường Số báo danh làm khoá của bảng vì thoả mãn cả hai điều kiện sau:
– Mỗi số báo danh xác định duy nhất một thí sinh.
– Chỉ có một trường, không thể bỏ bớt trường này để tạo tập hợp chứa trường có tính chất xác định duy nhất một bản ghi trong bảng.
2) Có thể lấy trường Mã định danh làm khoá của bảng (giải thích tương tự như ý 1).
3) Không thể lấy trường Họ và tên làm khoá của bảng vì có thể có những học sinh hoàn toàn trùng nhau ở họ và tên (có các bản ghi khác nhau có giá trị giống nhau ở trường Họ và tên).
4) Không thể lấy tập hợp gồm hai trường Số báo danh và Địa chỉ làm khoá của bảng vì chỉ cần trường Số báo danh đã đủ là một khoá rồi.
Câu F14
Trong các phát biểu dưới đây, những phát biểu nào SAI về khoá của một bảng
1) Mỗi giá trị khoá xác định duy nhất một bản ghi trong bảng.
2) Mỗi bảng luôn có nhiều hơn một khoá.
3) Khoá là tập hợp các trường sao cho mỗi bộ giá trị của các trường này xác định duy nhất một bản ghi trong bảng.
4) Hai bản ghi khác nhau trong bảng sẽ có hai giá trị khoá khác nhau và ngược lại, hai giá trị khoá khác nhau xác định hai bản ghi khác nhau trong bảng.
Đáp án:
Câu 2 sai, vì có thể có bảng chỉ có một khoá (chẳng hạn bảng SÁCH đã lấy làm ví dụ trong bài học của sách giáo khoa chỉ có khoá là tập hợp gồm một trường là Mã sách).
Câu 3 sai, vì tập hợp các trường sao cho mỗi bộ giá trị của các trường này xác định duy nhất một bản ghi trong bảng có thể chưa là khoá, tập hợp đó muốn là khoá thì cần thoả mãn thêm điều kiện không có tập hợp con thực sự nào của nó cũng có tính chất này.
Câu F15
Trong CSDL quan hệ phục vụ một cuộc thi tốt nghiệp, bảng THÍ SINH có cấu trúc như ở bài F13, hãy thực hiện các yêu cầu sau:
1) Hãy điền một số dữ liệu giả định sao cho không vi phạm ràng buộc khoá.
2) Cho ví dụ về một vài bản ghi nếu thêm vào sẽ vi phạm ràng buộc khoá.
3) Cho ví dụ về việc chỉnh sửa một bản ghi mà nếu thực hiện thì sẽ vi phạm ràng buộc khoá.
Đáp án:
Trước hết cần xác định khoá (tham khảo bài F13), bảng có các khoá là:
Số thứ tự
– Mã định danh
Số báo danh
– Họ và tên, Ngày sinh, Địa chỉ
Điền một số dữ liệu giả định sao cho không có hai bản ghi bất kì nào có giá trị khoá giống hệt nhau.
2) Ví dụ về một vài bản ghi mà nếu thêm vào sẽ vi phạm ràng buộc khoá: có thể lấy một bản ghi trùng lặp một giá trị với một bản ghi đã có trong bảng ở một khoá nào đó.
3) Ví dụ về việc chỉnh sửa một bản ghi mà nếu thực hiện thì sẽ vi phạm ràng buộc khoá: Có thể chỉnh sửa một bản ghi sao cho giá trị khoá nào đó của bản ghi này trở thành giống hệt với giá trị khoá đó của một bản ghi khác đã có trong bảng. Chẳng hạn, sửa bản ghi có Số thứ tự 17 dưới đây để Số báo danh đang là “TH1465” trở thành “TH1468” (trùng với Số báo danh của thí sinh có Số thứ tự 12 trong bảng):
Số thứ tự | Mã định danh | Số báo danh | Họ và tên | Ngày sinh | Địa chỉ |
… | … | … | … | … | … |
12 | 0131000574 | TH1468 | Phan Anh | … | … |
… | … | … | … | … | … |
17 | 0131000579 | TH1465 | Trần Vui | … | … |
Câu F16
Trong các câu sau, những câu nào đúng?
1) Hệ quản trị CSDL sẽ luôn tự động chọn một khóa làm khóa chính.
2) Hệ quản trị CSDL yêu cầu người dùng chỉ định khoá chính.
3) Hệ quản trị CSDL không phát hiện được các cập nhật vi phạm ràng buộc khoá.
4) Hệ quản trị CSDL cần người dùng chỉ định khoá chính để nó có thể ngăn chặn các cập nhật vi phạm ràng buộc khoá.
Đáp án: Phương án 2, 4.
Xem các bài giải khác tại Giải sách bài tập tin học lớp 11 Tin học ứng dụng – Cánh Diều
Thông tin liên hệ & mạng xã hội:
Website: https://bumbii.com/
Facebook: https://www.facebook.com/bumbiiapp
Pinterest: https://www.pinterest.com/bumbiitech
Không bao giờ từ bỏ hy vọng. Cố gắng mỗi ngày.