TRUYỀN CẢM HỨNG CHO TRẺ BẰNG “TINH THẦN THỂ THAO”

Giáo dục “tinh thần thể thao” cho trẻ cũng được xem là giáo dục đạo đức. Góp phần hình thành nên nhân cách và kỷ năng sống của bé. Nhưng tinh thần thể thao là gì và làm sao để đạt được nó, hãy cũng Bumbii thảo luận qua bài viết dưới đây.

Trẻ em ngày nay ngày càng được khuyến khích nên tập chơi thể thao từ nhỏ vì đơn giản là thể thao mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất và cả sức khỏe tinh thần. Càng biết chơi thể thao từ sớm, bạn càng có nhiều cơ hội phát triển bản thân.
Nhưng người ta vẫn thường nói: “Chất lượng hơn số lượng”. Bạn phải nhận thức rõ giá trị cốt lõi mà thể thao mang lại là gì? Nó có phải là giúp rèn luyện cơ bắp hay càng biết chơi càng nhiều bộ môn thể thao làm bạn cảm thấy thượng đẳng hơn người khác.
Làm sao để bạn trở thành một người chơi thể thao với phong độ tốt nhất và lành mạnh nhất. Hãy tiếp tục tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Tinh thần thể thao tích cực là gì?

Nếu bạn hỏi mọi người bao gồm những người chơi thể thao chuyên và không chuyên rằng: “Làm sao để có được tinh thần thể thao tốt nhất”. Họ sẽ cung cấp cho bạn nhiều ý tưởng ở những khía cạnh khác nhau. Để tổng kết lại những nhận định mà đa số mọi người đều đồng ý chúng ta có định nghĩa về “tinh thần thể thao” như sau:

“Tinh thần thể thao là một khát vọng hoặc đạo đức mà một môn thể thao hoặc hoạt động sẽ được hưởng cho riêng mình. Điều này là với sự cân nhắc đúng đắn cho sự công bằng, đạo đức sự tôn trọng và ý thức về mối tương giao với các đối thủ cạnh tranh. “Kẻ thua cuộc đau đớn” chỉ một người không chấp nhận được thất bại, trong khi “vận động viên thể thao tốt” có nghĩa là người đó có thể là “người chiến thắng tốt” cũng như là “kẻ thua cuộc tốt”.

Trích wikipedia

Lý thuyết thì đơn giản hơn thực hành, để rèn luyện được tinh thần thể thao tích cực nhất, bạn phải dành nhiều thời gian.

Khi thua cuộc, cảm xúc tiêu cực, khả năng kiềm chế cơn giận và lòng tự trọng của đứa trẻ dễ dàng bộc phát. Vì vậy, theo dõi và hướng dẫn con bạn từ sớm sẽ giúp con bạn rất nhiều ở tương lai sau này. Vì nó không còn là một trò chơi mà còn là phong cách sống cao quý.

tinh thần thể thao tích cực

2. Xem phim, đọc truyện với nội dung chất lượng để truyền cảm hứng.

Phim ảnh, tranh truyện có thể được xếp vào một trong những thứ giải trí mà trẻ em thường dành nhiều thời gian cho nó. Không những thế, trẻ em còn thích bắt chước lại hành động của người lớn hay các nhân vật mà bé yêu thích hay thần tượng. Vì vậy, bạn nên khuyến khích con đọc hoặc xem những câu chuyện chất lượng đề cao tinh thần đồng đội, sự đoàn kết hay ý chí quyết thắng trong thể thao. Đây là một trong những cách giáo dục âm thầm nhưng mang lại hiểu quả cao. Rèn luyện khả năng tự tư duy và truyền cảm hứng trước khi bắt đầu chơi một môn thể thao nào đó.
Dưới đây là 5 bộ phim/phim hoạt hình về thể thao ý nghĩa bà bạn có thể tham khảo:
2.1. Karate Kid – Người thầy nghiêm khắc, người bạn lớn tận tuỵ
Môn thể thao: Võ Karate
Thể loại: phim điện ảnh
Ý nghĩa: Sự kết hợp khá thú vị giữa người học trò da màu và người thầy Trung Quốc. Cậu được dạy về tâm tính và tinh thần của một võ sĩ cần có. Tôn vinh tinh thần thượng võ, kỷ luật và sự khổ luyện kiên tâm, không dễ bị khuất phục để bứt phá.
2.2. Pelé: Birth of a Legend – Cuộc đời của huyền thoại Pelé
Môn thể thao: Bóng đá
Thể loại: phim truyền hình
Ý nghĩa: Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời của danh thủ Pelé từ lúc ông còn ở trong khu ổ chuột tại Sao Paulo đến khi là cầu thủ cho đội tuyển Brazil và trở thành tượng đài bất hữu trong làn bóng đá thế giới. Những chi tiết chân thực tình chính cuộc đời của huyền thoại sẽ góp phần truyền cảm hứng vượt qua khó khăn để chạm đến thành công
2.3. Slam dunk – Cao thủ bóng rổ
Môn thể thao: Bóng rổ
Thể loại: phim hoạt hình – anime
Nội dung: Truyện dựa trên một nhân vật có thật nhưng được hư cấu một phần nào để phù hợp với độc giả hơn. Đây là một trong những bộ phim mang tính hiện thực cao, mỗi nhân vật không phải sinh ra đã có tài mà phải liên tục kiên trì, cố gắng. Xuyên suốt bộ phim ta sẽ thấy rõ sự trưởng thành của từng nhân vật qua mỗi cuộc chiến. Không phải lúc nào cũng thành công thắng lợi nhưng họ vẫn giữ được nhiệt huyết và sự can đảm ban đầu.
2.4. Haikyu – Chàng khổng lồ tí hon
Môn thể thao: Bóng chuyền
Thể loại: phim hoạt hình – anime
Nội dung: Vượt qua định kiến của mọi người, nhân vật chính là một chàng trai có chiều cao khiêm tốn nhưng có đam mê đặc biệt với bóng chuyền. Cố gắng liên tục để tập luyện đặc biệt điểm đáng học hỏi nhất từ bộ phim là nhân vật chính đã bỏ xuống cái tôi để học hỏi mọi người và kết bạn với kẻ thù đã từng hạ gục mình. Đây là minh chứng cho câu nói: “kẻ thù mạnh nhất chính là đồng minh mạnh nhất” – đã làm nên kì tích có một không hai trong lịch sử bóng chuyền.
2.5. Loser – Những kẻ thua cuộc
Môn thể thao: Nhiều bộ môn thể thao khác nhau
Thể loại: phim tài liệu pha trộn với hoạt hình
Nội dung: ‘Losers’ kể câu chuyện về những người đã thất bại trên giải đấu lớn nhất và cách họ đối phó với những thất bại đó. Mỗi tập phim đề cập đến những câu chuyện và môn thể thao khác nhau, với bóng đá, quyền anh, đánh gôn, trượt băng nghệ thuật, chó kéo xe trượt tuyết và các tập khác đều được chú ý. Chúng ta sẽ có cái nhìn khác nhau về “thua” và “thắng”. Cách để vượt qua mỗi khi thất bại, tìm thấy cơ hội trong những lần thất bại và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người xem.

3. Những hành vi tốt trong thể thao cần được dạy trẻ từ sớm.

• Hiểu rõ luật chơi: trước khi chơi giỏi, hãy chơi đúng. Dành ít phút tìm hiểu và hướng dẫn cho con bạn cách chơi sao cho đúng luật rất đáng giá. Giúp cho trẻ duy trì đức tính tôn trọng luật chơi xuyên suốt cuộc đấu. Hạn chế phạm luật vì sự thiếu hiểu biết.
• Tôn trọng đối thủ: “đừng đánh giá cuốn sách qua bìa của nó”, bất kể đối thủ mạnh hay yếu, hay bỏ qua những định kiến về ngoại hình và thi đấu một cách nghiêm túc. Vì đôi khi sự chủ quan có thể làm chúng ta hối hận. Hãy mở đầu bằng cái bắt tay hoặc cúi chào. Nói “cảm ơn” khi được ai đó khen ngợi.
• Hỗ trợ, hợp tác với mọi người trong đội: đây được xem là kỹ năng làm việc nhóm và theo con bạn suốt đời. Vì vậy, hãy hòa đồng, quan sát và lắng nghe từng thành viên trong đội. Cùng đặt ra chiến lược, mục tiêu và cùng nhau thực hiện. Vì nếu bạn muốn đi nhanh hãy đi một mình còn muốn đi xa hãy đi cùng nhau
• Kiểm soát cảm xúc: va chạm trong khi thi đấu, sự thiếu công bằng của trọng tài, lòng tự trọng khi bị đối thủ công kích là điều không thể tránh khỏi và thường xuyên xảy ra. Mỗi đứa trẻ sẽ có những cách phản ứng khác nhau, tập cho con bạn thói quen cân bằng cảm xúc sẽ giúp duy trì phong độ xuyên suốt trận đấu sẽ giúp ích cho cả đội. Kiềm chế cơn giận cần sự dũng cảm từ nội tâm và buông bỏ cái tôi vì lợi ích chung. Nếu làm được, không những có lợi trong thể thao còn giúp con bạn trong tương lai sau này.
• Học cách khen ngợi: hãy khen ngợi đối thủ đã chơi tốt hơn mình, khen những điểm mạnh của đồng đội mình. Phụ huynh cũng nên công nhận và tự hào khi con mình làm tốt. Đây là một trong những cách truyền cảm hứng hiệu quả nhất mà bạn có thể dễ dàng thực hiện
• Sẵn sàng học hỏi, lắng nghe người khác góp ý: mỗi người đều là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Vì vậy, hãy khiêm tốn và sẵn sàng tiếp thu mọi ý kiến đóng góp mang tính xây dựng.
• Chấp nhận thất bại: thất bại là điều không ai mong muốn, nhất là khi bạn đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Lúc này là lúc con bạn đang chìm vào cảm xúc tiêu cực, hãy quan sát, lắng nghe và động viên con. Để việc chơi thể thao có ý nghĩa hơn, điều quan trọng không phải là chiến thắng đối thủ, đó có thể là cuộc cạnh tranh với chính bản thân bạn. Vượt qua nỗi sợ, kiên trì nổ lực, cản đảm chấp nhận rủi ro và trung thực với chính bản thân mình để đạt được những cảm xúc thăng hoa hơn.

4. Làm thế nào nếu con bạn có những hành vi phi thể thao?

Những hành vi phi thể thao thường thấy nhất là:
• Bỏ cuộc ngay khi nhận ra mình không có phần thắng
• Vô lễ, xem thường và không chúc mừng người chiến thắng.
• Đổ lỗi cho đồng đội khi thua cuộc
• Bộc phát sự tức giận ngay khi thua cuộc
• Ghen tị và oán giận người chiến thắng
• Tỏ thái độ tự mãn, vênh váo khi chiến thắng.

• ……..
Nếu trẻ được dạy dỗ những hành vi tốt từ sớm thì những hành vi phi thể thao như trên có thể ít hoặc không xảy ra. Những đứa trẻ với tư duy “thắng là tốt nhất và thua là tệ nhất” hay cho rằng “thành công của tôi dự trên sự thất bại của bạn” rất dễ gây ra những hành vi phi thể thao như trên. Để tránh hoặc giảm nguy cơ có thể xảy ra, phụ huynh nên trò chuyện với con sau mỗi cuộc chơi như:
• Hôm nay con có học được gì không? Hay hôm nay con chơi có vui không?
• Con cảm thấy đối thủ của mình như thế nào?
• Khoảnh khắc đáng nhớ nhất khi chơi của con là gì?
• Con cảm thấy mình cần trau dồi thêm kỉ năng nào?
• Con muốn làm được gì trong tương lai?

• ……..
Dựa vào những câu hỏi bạn có thể nhận ra được tâm trạng của con và từ đó có phương pháp dạy dỗ thích hợp.

5. Lợi ích nếu trẻ có tinh thần thể thao tốt.

Ngày nay, ngày càng có nhiều trẻ em mắc chứng tự kỷ, chậm nói hay trầm cảm do ít được tiếp xúc với môi trường tự nhiên và giao tiếp với con người. Vì vậy, chơi thể thao là một phần rất quan trọng trong cuộc sống, giúp các bé phát triển đồng bộ về thể chất và tinh thần: từ việc rèn luyện tính cách, tư duy; học kỹ năng làm việc nhóm; tăng sự tự tin; xây dựng các mối quan hệ xã hội,…
Ngoài ra, Các nghiên cứu cho thấy những trẻ tham gia thể thao ít có khả năng bỏ học hoặc dính vào chất gây nghiện; mặt khác có xu hướng xuất sắc trong học tập và tự tin hơn. Thể thao là một cách giúp trẻ em rèn luyện sức khỏe và trí não, ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng hoạt động ở trường và khi trưởng thành.

6. Tổng kết

Sự quan tâm của phụ huynh trong việc dạy dỗ tinh thần thể thao tích cực cho trẻ em là một việc rất cần thiết và đáng giá. Giúp trẻ phát triển tư duy cạnh tranh một cách tích cực, mang lại kỷ năng sống thực tế và quý giá cho tương lai sau này.

Website: https://bumbii.com/

Website: Diễn đàn hỏi đáp

Facebook: https://www.facebook.com/bumbiihome

0 0 đánh giá
Article Rating
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Cùng chia sẻ bình luận của bạn nào!x